Tương ớt Việt Nam được sử dụng trong hầu hết mọi món ăn mà chúng ta có thể nghĩ đến, từ bánh mì, tô phở buổi sáng, tô bún bò, đến các món ăn vặt… tương ớt dường như khiến mọi thứ trở nên ngon hơn, và đúng như vậy! Loại tương có màu đỏ đặc trưng với vị cay cay ngòn ngọt làm tăng thêm hương vị. Điều đặc biệt của tương ớt Việt Nam là không lấy vị cay làm chủ đạo, không cay như nhiều phiên bản tương ớt của bạn bè quốc tế, nhưng đó chính là điều khiến nó phù hợp với hầu hết mọi món ăn.
Tương ớt “đánh thức” vị giác đang ngủ say
Vị cay nhẹ vừa đủ để “đánh thức” vị giác đang say ngủ, sẵn sàng cho thực khách thưởng thức món chính. Tương ớt Việt Nam, nói đơn giản nhưng không hề đơn giản chút nào. Một chai tương ớt chất lượng cao phải có ít nhất bốn năm thành phần như đường, muối, tỏi băm, giấm và ớt. Các nguyên liệu được trộn đều với nhau theo đúng tỷ lệ để không gây “chọi” với nhau, tạo nên thành phẩm vừa đủ nhẹ nhàng về hương vị nhưng lại đủ đậm đà để có thể kết hợp được với nhiều món.
Tương ớt Việt Nam có thể “cân” hầu hết mọi món ăn
Trên thực tế, tương ớt xuất hiện trong rất nhiều món ăn. Chỉ cần đến bất kỳ nhà hàng nào, miễn là không phải đồ ăn đặc biệt hay đồ ngọt, mỗi bàn sẽ có một chai tương ớt. Tôi chưa từng thấy tiệm phở hay tiệm bánh mì nào không có tương ớt cả.
Ngoài ra các món như chả giò, nem chua rán, đậu phụ rán… và các món rán khác đều ăn kèm với tương ớt. Bây giờ đôi khi đến quán bún đậu cũng thấy chai tương ớt sừng sững, tôi khá chắc là ngày xưa các cụ hình như không ăn món này cùng với tương ớt đâu.
Tương ớt Việt Nam phổ biến đến mức dù không phải là người Việt Nam nhưng vẫn có thói quen ăn món này. Ví dụ đầu tiên là món dim sum, hay bánh bao và xíu mại của Trung Quốc. Người Trung Quốc ăn những món này với nước tương truyền thống và ớt chưng. Nhưng khi sang Việt Nam, cửa hàng nào cũng có một hũ tương ớt kiểu Việt Nam.
Món tiếp theo là khoai tây chiên, hamburger… Từ xa xưa ở Mỹ, người ta chỉ ăn khoai tây chiên, hamburger với ketchup (tương cà), hiếm ai ăn cùng tương ớt. Còn người Việt Nam thì thường xuyên ăn khoai tây chiên cùng tương ớt, dễ thấy rằng tương cà không hợp vị. Không ít lần tôi thấy khách hàng của các quán như KFC, Burger King lấy thêm tương ớt vì phần được cho sẵn không đủ ăn.
Cũng không nói đâu xa, ở Mỹ có loại tương ớt Sriracha của một cụ ông người Việt nổi vô cùng, một năm sản xuất hơn 20 triệu chai cũng “cung không đủ cầu”, từng một thời khiến báo chí Mỹ phải tốn bao nhiêu là bút mực vì cuộc hành trình của món tương ớt Việt. Dạo một vòng trên mạng thì thấy vô số các công thức món ăn Tây với tương ớt Việt, được người sáng chế đảm bảo rằng “cứ thêm tương ớt thì sẽ ngon”.
Điểm đặc biệt của tương ớt Việt Nam
Tương ớt tuy không phải là loại nước chấm quá đặc biệt, hầu như nước nào cũng có, nhưng tương ớt Việt Nam vẫn có khả năng xây dựng một “đế chế” của riêng mình. Tương ớt Việt Nam không đặc như tương ớt Hàn Quốc, cũng không như tương ớt Thái Lan vốn rất thích hương vị đậm đà. Ngay ở Trung Quốc cũng có loại ớt chưng nhưng bản thân nó nhiều dầu, hạt còn nguyên, vị cay nồng… nhưng vẫn khá khác biệt.
Tương ớt của Việt Nam có độ đặc vừa phải, hoàn hảo cho mọi món ăn, từ thêm vào các món nước. Tương ớt có thể hòa tan trong tô nước lèo nóng hổi nhưng vẫn đủ độ sệt cho các món chiên và rán. Tương ớt Việt Nam cay cay thêm chút vị ngọt và thơm của tỏi, vừa đủ để món ăn bớt nhạt nhẽo mà không phá vỡ cấu trúc hương vị ban đầu của món ăn.
Có thể nói, tương ớt là một loại nước chấm “có thì cũng được nhưng không có lại cảm thấy thiếu thiếu”. Ngoại trừ một vài người không thích tương ớt, hãy nghĩ về món phở hay nem chua rán,… mà không có tương ớt, bạn có thấy “lạ”, thấy “thiếu” không?