Tết Nguyên Đán là thời điểm mọi người đoàn tụ bên gia đình sau một năm làm việc vất vả. Vì vậy, các món ngon ngày Tết cũng được chuẩn bị phong phú, công phu, mang ý nghĩa cầu mong gia đình luôn hạnh phúc, viên mãn, đủ đầy. Bài viết dưới đây, Tương Việt Hoa Sen sẽ chia sẻ cho bạn cách lam món Bánh Chưng truyền thống ngày Tết cổ truyền để các bạn tham khảo.
Ý nghĩa của món Bánh chưng ngày Tết
Bánh chưng là món ăn đặc trưng không thể thiếu trên mâm cỗ ngày Tết của người miền Bắc. Mang ý nghĩa là món ăn của đất trời, cách gói bánh chưng đơn giản là sự kết hợp hài hòa giữa gạo nếp và đậu xanh dẻo ngọt, thêm chút tiêu cho cay và thịt mỡ tạo nên một hương vị rất riêng và hấp dẫn, mang đậm nét truyền thống Tết cổ truyền.
Nguyên liệu làm Bánh chưng
1 kg gạo nếp
500g đỗ xanh
500g thịt lợn
2 thìa cà phê muối
1 thìa cà phê tiêu
Dụng cụ gói bánh chưng
Lá dong
Dây lạt
Khuôn thông minh 15 cm
Nồi lớn
Cách chế biến Bánh chưng
Bước 1: Chuẩn bị
Bạn phải ngâm gạo nếp trước khi làm bánh chưng. Gạo nếp tốt nhất nên ngâm qua đêm, hoặc ít nhất 4 tiếng.
Bạn cũng nên ngâm gạo nếp với nước cốt lá riềng hoặc lá dứa để gạo được xanh hơn, đồng thời thơm hơn. Đậu xanh chưa tách vỏ cũng nên ngâm trước 4 tiếng hoặc qua đêm.
Bước 2: Sơ chế Bánh chưng
Gạo nếp sau khi ngâm xong đổ ra rổ cho ráo nước. Rắc 1 đến 2 thìa muối và đảo đều tay.
Đậu xanh cũng làm tương tự, bạn để ráo nước rồi trộn với tiêu và muối.
Tiếp theo, ướp thịt với muối, tiêu, đường.
Bước 3: Gói bánh Bánh chưng
Để bánh được vuông vắn và đẹp mắt hơn, bạn nên chuẩn bị cho mình một chiếc khung vuông để làm khuôn gói bánh.
Tiếp theo, bạn xếp 4 chiếc lá dong. Sắp xếp các chiếc lá bằng cách gấp mép dưới lên trên và mép trái lên trên để tạo nếp cho chiếc lá. Làm tương tự với 3 chiếc lá còn lại. Sau đó lót 4 chiếc lá vào đáy khuôn rồi đổ xôi lên trên.
Bạn sẽ rải đều gạo nếp ở 4 góc khuôn, để lại một khoảng lõm ở giữa. Cho đậu xanh vào đó, đến thịt rồi đến đậu xanh. Tiếp theo, bạn trải gạo nếp lên trên, cố gắng sao cho đều hai mặt gạo nếp và đậu xanh ở cả 2 mặt trên và dưới.
Cuối cùng, bạn gói bánh lại và dùng dây cột lại. Bạn cũng nên nhớ không buộc quá chặt vì bánh sẽ nở ra trong quá trình luộc bánh.
Bước 4: Luộc bánh chưng
Đặt bánh vào một cái nồi lớn và cho ngập nước. Thời gian luộc bánh nhỏ khoảng 5 tiếng, bánh lớn cần nhiều thời gian hơn.
Nếu bạn sử dụng nồi áp suất, thời gian nấu của bạn sẽ giảm xuống chỉ còn 1 giờ. Bạn cũng cần chuẩn bị một nồi nước sôi, khi nước trong nồi cạn thì chêm thêm nước vào kịp thời. Khi luộc bánh được một nửa thời gian, thì trở bánh lại và thay nước để bánh được chín đều.
Sau khi bánh chưng chín, vớt ra ngâm vào chậu nước lạnh 20 phút. Sau đó, để cho bánh ráo nước rồi dùng vật nặng hơn đè lên bánh để ép bớt nước giúp bánh chưng không bị nhão và để được lâu hơn. Ép trong vòng 5-8 tiếng là được.
Lưu ý khi luộc bánh chưng:
Khi luộc bánh các bạn cần chú ý những điểm sau để bánh được xanh, ngon và không bị biến dạng:
- Trước khi đặt bánh chưng vào nồi, bạn cần lót một lớp lá dong hoặc cuống lá dong xuống bên dưới để bánh không bị cháy và dính vào đáy nồi.
- Xếp bánh thành từng lớp chồng lên nhau gọn gàng, chặt để giữ nếp cho bánh, trường hợp nước sôi có lực đẩy bánh sẽ không bị bung ra.
- Khi nồi đã sôi, hạ nhiệt độ thấp (đối với nồi hơi đốt than hoặc bếp đốt củi) hoặc giảm nhiệt độ (đối với nồi điện). Chỉ để lửa nhỏ liu riu trong quá trình nấu bánh.
Bước 5: Thành phẩm
Sau khi công đoạn làm bánh chưng hoàn tất, bạn có thể bảo quản bánh trong tủ lạnh. Khi có khách đến, bạn chỉ cần cho bánh vào lò vi sóng hâm nóng và thưởng thức!
Ngoài ăn bánh chưng luộc, người ta còn biến tấu món ăn này thành nhiều cách khác để ngon hơn, đơn giản nhất là chiên bánh chưng sao cho giòn từ trong ra ngoài. Món này chấm nước tương hay tương ớt đều ngon “hết sảy”, các bạn hãy thử nhé.